Thành Lập Doanh Nghiệp Có Vốn Nước Ngoài Tại Việt Nam
Đầu tư, kinh doanh sinh lợi là một nhu cầu thiết thực của xã hội. Có nhiều phương thức để thực hiện dự án kinh doanh, nhưng thông thường nhất vẫn là thành lập doanh nghiệp với ngành nghề phù hợp để triển khai các hoạt động kinh doanh. Trong đó Thành Lập Doanh Nghiệp Có Vốn Nước Ngoài Tại Việt Nam cần những điều kiện và thủ tục như thế nào?
Doanh nghiệp là gì?
- Doanh nghiệp/Công ty là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Hiện nay có 4 loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam:
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên).
- Công ty cổ phần.
- Công ty hợp danh.
Các văn bản pháp luật liên quan đến việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam:
- Luật Doanh Nghiệp (2020).
- Luật Đầu Tư (2020).
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
- Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Những điều kiện cần để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam:
- Vốn điều lệ: Là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
- Vốn pháp định: Trong một số ngành nghề cụ thể sẽ có yêu cầu về mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập doanh nghiệp (ví dụ để thành lập công ty kinh doanh bất động sản thì vốn pháp định là 20 tỷ).
- Ngành, nghề kinh doanh: Doanh nghiệp được tự do, kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Riêng đối với những ngành nghề có điều kiện (quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu Tư 2020) doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng đúng điều kiện cần thiết của từng ngành nghề theo quy định của pháp luật.
- Về trụ sở chính: Doanh Nghiệp phải có trụ sở chính. Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax, email.
- Tên Doanh nghiệp: Bao gồm 2 thành tố là Loại hình doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp (Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu). Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
- Con dấu doanh nghiệp: Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp và phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì còn cần phải thực hiện thêm thủ tục đầu tư theo quy định trước khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp hay góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của tổ chức kinh tế khác.
Cũng cần lưu ý là sẽ có một số trường hợp không được đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, ví dụ như:
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng … trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam..
- Người chưa thành niên;
- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Người bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Các trường hợp theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Tổ chức bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên/cổ đông sáng lập, đặc biệt là danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của các thành viên/Cổ đông.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu Tư.
Tất nhiên với mỗi loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công cổ phần, Công ty hợp danh…), ngành nghề kinh doanh, cũng như thành phần các thành viên/cổ đông thì hồ sơ sẽ có đôi chút khác biệt).
Trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc nộp hồ sơ theo một trong các hình thức:
- Đăng kí trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh;(phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở Kế hoạch đầu tư, hoặc ban quản lý khu công nghiệp với các doanh nghiệp thành lập trong khu công.
- Đăng kí qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng kí qua mạng thông tin điện tử;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và trả lời kết quả:
- Hồ sơ hợp lệ: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ; Cơ quan đăng ký sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Nếu từ chối đăng ký doanh nghiệp thì sẽ có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
LƯU Ý: Sau khi thành lập doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty còn cần làm thêm một số thủ tục khác trước khi doanh nghiệp hoạt động, như:
- Thông báo mẫu dấu.
- Treo bảng hiệu theo quy định.
- Kê khai, nộp thuế.
- Đăng ký sử dụng hóa đơn.
- Khai trình lao động lần đầu.
- Xây dựng thang bảng lương.
- Đăng ký mã số BHXH và khai báo BHXH.
Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, có thể gặp một số khó khăn như:
- Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn theo quy định của pháp luật.
- Hợp pháp hóa lãnh sự các loại giấy tờ pháp lý.
- Chứng minh về việc góp vốn (với các ngành nghề có yêu cầu về vốn điều lệ).
- Xác định địa điểm đặt trụ sở là phù hợp với quy định (vd không thể đặt trụ sở ở các tòa nhà chung cư).
- Việc xây dựng điều lệ doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu của chủ sở hữu cũng là một vấn đề rất quan trọng (đặc biệt là trong việc xác định nguyên tắc phân chia quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên/cổ đông công ty, xác định thẩm quyền đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức các cuộc họp HĐTV/ĐHĐCĐ).