Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa
Hoạt động mua bán hàng hóa là hoạt động kinh doanh phổ biến nhất trên thị trường. Mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa (dù chủ động hay bị động). Khi thực hiện việc mua bán hàng hóa trong hoạt động kinh doanh, các bên nên ký kết thành văn bản để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng trong giao dịch, tránh phát sinh các tranh chấp.
Văn bản liên quan:
- Luật Thương mại 2005.
- Bộ luật Dân sự 2015.
Các nội dung cần có trong Hợp đồng mua bán hàng hóa:
- Thông tin các bên: Gồm tên của cá nhân/tổ chức (và người đại diện của tổ chức); số CCCD hoặc mã số thuế/mã số doanh nghiệp; thông tin liên lạc của mỗi bên (địa chỉ, số điện thoại, email, website); thông tin tài khoản NH (phục vụ việc chuyển khoản thanh toán); hông tin giấy ủy quyền (nếu có).
Ngoài thông tin của Bên Bán, Bên Mua, còn có thể có thông tin của các Bên thứ ba khác, như bên nhận hàng hóa chỉ định, bên thanh toán/nhận thanh toán chỉ định … - Thông tin về hàng hóa, bao gồm các thông tin chính:
- Chủng loại, chất lượng (màu sắc, kích thước, chất liệu, tính chất vật lý, tính chất hóa học, xuất xứ …).
- Quy cách đóng gói, Quy cách tính.
- Số lượng.
- Đơn giá.
- Quy định về sở hữu trí tuệ của hàng hóa (đặc biệt là các mặt hàng sản xuất xuất khẩu).
- Thông tin bảo hành.
- Thông tin về giao nhận hàng hóa: Thông tin quan trọng nhất là trách nhiệm giao nhận hàng hóa (bên mua hay bên bán, hay bên thứ ba).
Bên cạnh đó cũng cần xác định rõ địa điểm giao nhận hàng: giao tại xưởng của bên bán hay kho của bên mua; chi phí bốc xếp phát sinh do bên nào chịu (từ xưởng lên xe, từ xe xuống kho).
Trách nhiệm kiểm tra hàng hóa khi giao nhận cũng là một vấn đề cần quan tâm, và phải có biên bản giao nhận cụ thể, để tránh tranh chấp về chất lượng hàng hóa (đi kèm theo giấy tờ xuất xứ hàng hóa, giấy tờ cá nhân của người giao nhận).
Thông tin cuối cùng là lịch giao nhận hàng, cũng như chi phí lưu kho phát sinh (nếu có) nếu bên nhận trễ hạn nhận hàng và các trường hợp được quyền ngừng giao/nhận hàng hóa (nếu có thỏa thuận). - Thanh toán, bao gồm: Thông tin đặt cọc, các lần thanh toán, hình thức thanh toán, chi phí thanh toán (ví dụ: phí chuyển khoản), và các trường hợp ngừng thanh toán.
- Trách nhiệm của các bên: Bao gồm trách nhiệm giao hàng đúng hạn, đúng chủng loại, chất lượng, số lượng của bên bán; trách nhiệm nhận hàng, thanh toán đúng hạn của bên mua; trách nhiệm kiểm tra hàng hóa khi giao nhận của hai bên; cùng với các trách nhiệm khác theo từng loại hàng hóa.
- Quy định về lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì và hướng dẫn sử dụng: Tuỳ theo loại hàng hóa.
- Quy định về phạt vi phạm hợp đồng: Tùy thuộc thỏa thuận của các bên.
- Quy định về các trường hợp bất khả kháng – dẫn đến việc hai bên không thể thực hiện được hợp đồng, ví dụ như thiên tai, lũ lụt …
- Thỏa thuận về nơi giải quyết tranh chấp và các điều khoản chung khác.