Tranh Chấp Lao Động/Thương Lượng Lao Động
Trong quá trình vận hành, sẽ có lúc xảy ra bất đồng quan điểm giữa doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là các bất đồng về chế độ lương, thưởng, thời gian làm việc. Nếu không giải quyết ổn thỏa thì các bất đồng giữa hai bên (DN & NLĐ) có thể sẽ biến thành mâu thuẫn, và trở thành tranh chấp; gây ảnh hưởng đến quyền lợi và hình ảnh của cả hai bên.
Tranh chấp/ thương lượng lao động:
- Tranh chấp lao động: Là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
- Các thể chia tranh chấp lao động làm 2 loại là “Tranh chấp lao động cá nhân” và “Tranh chấp lao động tập thể.
- Thương lượng tập thể: Là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Thương lượng tập thể là một trong những phương thức hữu hiệu để ngăn chặn tranh chấp lao động cũng như giải quyết tranh chấp lao động.
Các văn bản liên quan:
- Bộ luật Lao động 2019.
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Thương lượng tập thể:
- Thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch. Cả người sử dụng lao động (doanh nghiệp) và người lao động (tổ chức đại diện người lao động) đều có quyền đề nghị thực hiện thương lượng tập thể về các vấn đề mà hai bên quan tâm. Bên nhận được yêu cầu thương lượng không được từ chối việc thương lượng.
- Số lượng người tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do các bên thỏa thuận. Thành phần tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do bên đó quyết định.
Quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và nội dung thương lượng, các bên thỏa thuận về địa điểm, thời gian bắt đầu thương lượng (không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể).
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm và các điều kiện cần thiết để tổ chức.
- Thời gian thương lượng tập thể không được quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trong quá trình thương lượng tập thể, nếu có yêu cầu của bên đại diện người lao động thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng trong phạm vi doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương lượng tập thể, trừ thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động.
- Việc thương lượng tập thể phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ nội dung đã được các bên thống nhất, nội dung còn ý kiến khác nhau. Biên bản thương lượng tập thể phải có chữ ký của đại diện các bên thương lượng và của người ghi biên bản.
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở công bố rộng rãi, công khai biên bản thương lượng tập thể đến toàn bộ người lao động.
Thương lượng tập thể không thành – bao gồm các trường hợp sau đây:
- Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định.
- Đã hết thời hạn quy định mà các bên không đạt được thỏa thuận;
- Chưa hết thời hạn quy định nhưng các bên cùng tuyên bố thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
- Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.
Giải quyết tranh chấp lao động: Tranh chấp lao động cá nhân: Phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây:
- Xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật;
- Bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về các loại bảo hiểm bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp);
- Về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
* Tranh chấp lao động tập thể (về quyền): phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết * Tranh chấp lao động tập thể (về lợi ích): phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
* Hòa giải tại hòa giải viên lao động:
- Việc hòa giải sẽ được hoàn thành trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu.
- Phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
- Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
- Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
- Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
* Giải quyết tại hội đồng trọng tài lao động:
- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Ban trọng tài lao động sẽ được thành lập trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Nếu hết thời hạn trên mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp giải quyết tại tòa án:
- Các bên đã tiến hành thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Bên khởi kiện cần làm đơn khởi kiện, gửi đến tòa án có thẩm quyền (cùng với các tài liệu có liên quan).
- Tòa án sẽ xác định bị đơn, nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…và sẽ triệu tập các cuộc họp lấy ý kiến, họp hòa giải theo quy định trước khi đưa vụ án ra xét xử.
- Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực nếu không có bên nào kháng cáo. Trong trường hợp có kháng cáo, tòa án cấp phúc thẩm sẽ xét xử theo quy trình phúc thẩm. Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay.
- Tranh chấp lao động là việc không ai mong muốn, vì vậy tốt nhất doanh nghiệp và NLĐ nên giải quyết những bất đồng ngay khi vừa xuất hiện, trên tinh thần hợp tác, thông cảm với hoàn cảnh của nhau. Đặc biệt là doanh nghiệp và NLĐ nên thường xuyên tổ chức đối thoại để có thể trao đổi thông tin một cách tốt nhất, tránh phát sinh những bất đồng quan điểm, mâu thuẫn chỉ vì sự hiểu lầm hay các thông tin sai lệch.