Phương Án Sử Dụng Lao Động Khi Tái Cơ Cấu
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, có nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc tái cơ cấu lại lao động, qua đó giảm bớt chi phí lương, tiết kiệm nguồn lực để có thể vượt qua giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, khi thực hiện tái cơ cấu, doanh nghiệp cần đảm bảo là mình đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu không doanh nghiệp có thể sẽ gánh chịu những trách nhiệm rất nặng nề.
Khi tái cơ cấu lại lao động, doanh nghiệp chủ yếu sẽ xoát xét, cắt giảm nhân sự của các bộ phận.
Nhân sự đôi dư sau khi cắt giảm sẽ giải quyết theo 2 hướng:
-
Đào tạo, chuyển đổi NLĐ sang công việc khác
-
Cho NLĐ nghỉ việc, thông qua các hình thức:
-
Nghỉ hưu.
-
Chấm dứt HĐLĐ có thời hạn và không tái ký.
-
Cho người lao động thôi việc (theo diện mất việc).
-
Văn bản liên quan:
– Bộ luật Lao động 2019.
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Một số công việc cần làm khi tái cơ cấu lại lao động:
– Điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là xác định phạm vi thực hiện tái cơ cấu; qua đó xác định số lượng NLĐ bị ảnh hưởng.
– Sau khi xác định được những bộ phận, số lượng nhân sự cần tái cơ cấu. Doanh nghiệp cần xây dựng phương án sử dụng lao động:
+ Bao nhiêu lao động sẽ tiếp tục ở lại vị trí hiện tại (không bị ảnh hưởng). Tiêu chí để chọn ra những lao động này là gì (năng lực, kinh nghiệm, loại HĐLĐ đang ký kết, tuổi tác …).
+ Bao nhiêu lao động đôi dư và phương án sắp xếp:
+ Những người có thể đào tạo lại và chuyển sang bộ phận khác
+ Những người sẽ nghỉ hưu (có thể thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ tại thời điểm sớm hơn so với quy định không ?).
+ Những người sẽ không tái ký HĐLĐ khi hết hạn (thời điểm hết hạn HĐLĐ của từng người ?).
+ Những phải bị mất việc.
– Tiếp theo là chi phí để thực hiện phương án sắp xếp lại lao động:
+ Chi phí đào tạo lại lao động
+ Chi phí trợ cấp thôi việc (mỗi năm làm việc mà không tham gia BHTN là ½ tháng lương, áp dụng cho những người không tái ký HĐLĐ, những người thỏa thuận nghỉ việc).
+ Chi phí trợ cấp mất việc (mỗi năm làm việc mà không tham gia BHTN là 1 tháng lương, nhưng ít nhất là 2 tháng lương, áp dụng cho những người bị mất việc).
+ Các chi phí khác để hỗ trợ cho lao động (nếu có).
+ Nguồn chi phí này sẽ được lấy từ đâu (tiền vốn của doanh nghiệp, đi vay, bán tài sản …).
– Thời gian thực hiện các công việc trên (khi nào cho đào tạo, khi nào cho NLĐ nghỉ hưu, nghỉ việc, thời điểm chi trả …)
– Các thông tin trên sẽ ghi nhận thành văn bản, gọi là Phương án sử dụng lao động. Văn bản này cần được này cần được trao đổi ý kiến với Công đoàn cơ sở, cũng như tổ chức đối thoại với NLĐ trước khi doanh nghiệp ký quyết định ban hành. Phương án chính thức cũng phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua và phải thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp hoạt động.
Cũng cần lưu ý là việc cho thôi việc đối với NLĐ trong trường hợp này phải được thông báo trước cho NLĐ ít nhất là 30 ngày.
Lưu ý:
Doanh nghiệp cần lưu giữ tất cả các tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động để chứng minh rằng mình đã làm đúng trách nhiệm theo quy định (các biên bản, hình ảnh liên quan đến việc họp bàn, lấy ý kiến, công khai thông tin, chứng từ chi tiền cho NLĐ…).
Trong quá trình trao đổi, chắc chắn sẽ có xảy ra những mâu thuẫn do bất đồng ý kiến giữa doanh nghiệp và NLĐ. Khi này, hai bên nên bình tĩnh trao đổi, tránh đẩy mâu thuẫn lên cao trào, dẫn đến không thể thương lượng được với nhau. Công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương cùng các cơ quan lao động ở địa phương là các đơn vị có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc trao đổi với NLĐ. Và nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể nhờ thêm luật sư hỗ trợ để có thể trao đổi, tuyên truyền, giải thích quy định pháp luật (trong vấn đề tái cơ cấu) cho NLĐ được biết để họ thông cảm và chấp nhận hợp tác với doanh nghiệp.