Luật Sư Đại Diện Cho Người Lao Động
Trong quá trình làm việc theo HĐLĐ, sẽ có phát sinh những ý kiến bất đồng giữa NLĐ với doanh nghiệp. Nếu không thể thương thảo, giải quyết sớm thì những bất đồng này rất trở thành mâu thuẫn, tranh chấp. Khi này, NLĐ thường là bên yếu thế hơn, vì không nắm rõ các quy định pháp luật, dẫn đến không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách tốt nhất.
Tranh chấp thường xuyên xảy ra nhất giữa cá nhân NLĐ và Doanh nghiệp là về hợp đồng:
- Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ có đúng luật hay không?
- Công ty xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải đã đúng với quy định pháp luật hay chưa?
- Công ty có quyền yêu cầu NLĐ ký cam kết không được làm việc ở công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực (để đảm bảo NLĐ không tiết lộ bí mật kinh doanh) hay không ?
- Nếu Công ty làm sai quy định, NLĐ có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ?
Văn bản liên quan:
- Bộ luật lao động 2019.
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Những giải pháp mà NLĐ có thể thực hiện:
- Tự mình (với sự giúp đỡ của công đoàn) thương lượng với doanh nghiệp về vấn đề mâu thuẫn giữa hai bên:
– Đây là việc đầu tiên mà cá nhân NLĐ nên làm, khi bất đồng chỉ đang mới phát sinh, mâu thuẫn giữa các bên chưa đến mức căng thẳng. Các bên vẫn có thể ngồi lại nói chuyện trực tiếp với nhau. Thời điểm này, nếu cảm thấy chưa tự tin về kiến thức pháp luật, NLĐ có thể nhờ luật sư tư vấn về các vấn đề pháp lý phát sinh trong sự việc của mình, qua đó NLĐ hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình và có thể đưa ra những quan điểm phù hợp khi trao đổi với doanh nghiệp. - Tiến hành hòa giải với hòa giải viên lao động:
– Khi mâu thuẫn đã trở nên căng thẳng, các bên không thể trao đổi bình thường với nhau thì NLĐ có thể đưa vụ việc ra hòa giải viên lao động (do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm) để yêu cầu giải quyết.
– Trong một số trường hợp, việc hòa giải tại hòa giải viên lao động cũng là một công việc bắt buộc phải thực hiện trước khi khởi kiện vụ án ra tòa án (hoặc hội đồng trọng tài lao động).
– Tại bước này, nếu không tự tin, NLĐ nên liên hệ với luật sư (tại trung tâm trợ giúp pháp lý, hoặc các văn phòng công ty luật) để luật sư tư vấn, hỗ trợ hoặc cùng tham gia hòa giải. - Giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động:
– Việc giải quyết tranh chấp lao động ở Hội đồng trọng tài lao động chỉ có thể thực hiện khi cả hai bên (NLĐ và doanh nghiệp) cùng đồng thuận chọn cơ quan này để giải quyết.
– Ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp ở Hội đồng trọng tài là trình tự xử lý sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc giải quyết ở tòa án (vốn phải tuân theo quy trình tố tụng). Tuy nhiên, phương án này chỉ có hiệu quả khi các bên còn có thiện chí cùng nhau giải quyết tranh chấp; bởi lẽ quyết định giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài không có “sức mạnh” như bản án của tòa án. Nếu doanh nghiệp không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì NLĐ cũng phải khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết. - Khởi kiện tại tòa án:
– Đây có thể xem là phương án cuối cùng để giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Để khởi kiện thì cá nhân NLĐ cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định (đơn khởi kiện, giấy tờ cá nhân, giấy tờ thông tin của bị đơn – doanh nghiệp, các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện).
– Ở bước này, tốt nhất là NLĐ nên liên hệ với luật sư để nhờ hỗ trợ (làm đơn khởi kiện, xác định tòa án có thẩm quyền, thu thập, chuẩn bị các tài liệu chứng cứ, cũng như tham gia các phiên làm việc của tòa án, đặc biệt là phiên xét xử).
Kết luận:
- Thực tế, việc giải quyết tranh chấp lao động luôn tốn nhiều thời gian, đặc biệt là khi giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng. Do đó, tốt nhất là NLĐ nên trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật để có thể trao đổi, làm rõ với doanh nghiệp ngay khi bất đồng mới phát sinh; tránh làm cho sự việc phát triển thành tranh chấp và không thể giải quyết bằng các phương thức trao đổi nhẹ nhàng.
- Trong trường hợp bắt buộc phải giải quyết tranh chấp tại tòa án (hay Hội đồng trọng tài lao động), NLĐ nên liên hệ với các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý để được hỗ trợ.