Hợp Đồng Lao Động & Các Điểm Cần Lưu Ý
Khi Công ty nhận người lao động vào làm việc, hai bên cần ký kết hợp đồng lao động theo quy định để xác lập mối quan hệ lao động, cũng như ghi nhận quyền và nghĩa vụ của hai bên. HĐLĐ cần phải có đầy đủ các nội dung theo quy định pháp luật, nếu không, doanh nghiệp sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 25 triệu đồng.
Hợp đồng lao động là gì?
- Hợp đồng lao động là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Bất kỳ văn bản nào có đủ 3 yếu tố này sẽ được coi là HĐLĐ (không phân biệt tên gọi).
Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
- Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động, được sử dụng để điều chỉnh, sửa đổi nội dung của HĐLĐ (nhưng không được phép sửa đổi thời hạn của hợp đồng).
Hợp đồng thử việc là gì?
- Hợp đồng thử việc là thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp về nội dung thử việc, thời gian thử việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời gian đó.
Các văn bản liên quan:
- Bộ luật Lao động 2019.
- Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
Loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) gồm:
- HĐLĐ không xác định thời hạn: là hợp đồng mà hai bên không xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- HĐLĐ xác định thời hạn: là hợp đồng mà hai bên xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Lưu ý: hiện tại không còn phân loại hợp đồng thời vụ (HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng). HĐLĐ dưới 12 tháng cũng gọi chung là HĐLĐ xác định thời hạn.
Nội dung hợp đồng lao động (HĐLĐ) gồm một số nội dung chính như:
- Thông tin về người sử dụng lao động gồm: tên và địa chỉ(ghi theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/quyết định thành lập); Họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết HĐLĐ.
- Thông tin người lao động: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu. Với người lao động nước ngoài thì có thêm Số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động
- Công việc phải làm: Nếu là công việc thuộc loại nặng nhọc độc hại, đặc biệt nặng nhọc độc hại (theo danh mục của Bộ LĐTBXH quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH) thì cần ghi theo đúng tên trong danh mục để NLĐ có thể hưởng chế độ BHXH phù hợp.
- Địa điểm làm việc: Nếu làm việc ở nhiều nơi thì phải ghi đủ các nơi làm việc;
- Thời hạn của HĐLĐ: Không quá 36 tháng hoặc là “không xác định thời hạn”.
- Các thông tin về lương như: Mức lương; hình thức/thời hạn trả lương; phụ cấp lương; chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Các thông tin về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Làm việc theo ngày hay theo tuần, làm từ mấy giờ đến mấy giờ, làm từ thứ mấy đến thứ mấy …
- Thông tin về trang bị bảo hộ lao động (nếu có).
- Thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Thông tin về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề (nếu có).
Nội dung phụ lục hợp đồng lao động (PL.HĐLĐ):
- Quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của HĐLĐ. PL.HĐLĐ không có mẫu cũng như yêu cầu cụ thể (trừ yêu cầu không được sửa đổi thời hạn của HĐLĐ), các nội dung trong PL.HĐLĐ chủ yếu sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng.
Nội dung hợp đồng thử việc:
- Sẽ tương tự như nội dung của HĐLĐ, nhưng không bao gồm nội dung về chế độ nâng bậc lương, các loại bảo hiểm, chế độ đào tạo nâng cao tay nghề.
Một số lưu ý về việc ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ):
- Việc thử việc có thể ký thành 1 hợp đồng riêng hoặc lồng ghép chung trong HĐLĐ chính thức. Nếu:
+ Ký thành 1 hợp đồng thử việc riêng: Thời gian thử việc sẽ không tham gia BHXH.
+ Lồng ghép nội dung thử việc trong HĐLĐ chính thức: Thời gian thử việc cũng sẽ tham gia BHXH. - Người lao động có thể ký kết HĐLĐ với nhiều người lao động tại một thời điểm. Khi này về mặt quy định thì trách nhiệm đóng BHXH, BHTN sẽ thực hiện theo HĐLĐ ký trước, BHYT sẽ thực hiện đóng theo HĐLĐ có mức lương cao hơn.
+ Nhưng trên thực tế hiện tại: Hầu hết các cơ quan BHXH đều chấp nhận doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, BHTN theo 1 hợp đồng. - Đối với HĐLĐ dưới 1 tháng thì không phải tham gia BHXH mà Công ty sẽ chi trả phần BHXH vào lương cho NLĐ (21,5%)