Tư Vấn, Soạn Thảo Thỏa Thuận Bảo Mật
Thỏa thuận bảo mật (NDA) là văn bản giao kết giữa hai hoặc nhiều bên, nhằm đảm bảo trách nhiệm không tiết lộ các thông tin bí mật (ví dụ như các tài liệu bí mật kinh doanh, công thức, ý tưởng…) mà các bên chia sẻ cho nhau vì mục tiêu chung của hai bên. Thỏa thuận này có thể xuất hiện trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, từ gia công, môi giới, đến cung cấp dịch vụ hay hợp đồng lao động…
Có thể chia thỏa thuận bảo mật thông tin làm 2 loại:
- Thỏa thuận một chiều: chỉ ràng buộc một bên phải đảm bảo việc bảo mật các thông tin bí mật của bên kia, mà mình nhận được khi thực hiện hợp đồng. Thỏa thuận này thường xuất hiện giữa NLĐ với công ty (NLĐ cam kết bảo mật các thông tin mà mình nhận được khi vào hệ thống của doanh nghiệp làm việc).
- Thỏa thuận hai chiều/đa chiều: các bên sẽ cung cấp thông tin bí mật cho nhau, hoặc 1 bên cung cấp thông tin bí mật cho nhiều bên, và cần ràng buộc trách nhiệm bảo mật với tất cả các bên.
Văn bản liên quan:
- Bộ luật dân sự 2015.
- Luật thương mại 2005.
- Bộ luật lao động 2019.
Bốn yếu tố không thể tách rời trong việc bảo mật thông tin:
- Tính bảo mật: Đảm bảo thông tin đó được bảo mật chặt chẽ, những người muốn tiếp cận thông tin phải được phân quyền truy cập;
- Tính toàn vẹn: Bảo vệ sự hoàn chỉnh toàn diện cho hệ thống thông tin;
- Tính chính xác: Thông tin đưa ra phải chính xác, đầy đủ, không được sai lệch hay không được vi phạm bản quyền nội dung;
- Tính sẵn sàng: Việc bảo mật thông tin luôn phải sẵn sàng, có thể thực hiện bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Nội dung chính của thỏa thuận bảo mật:
- Thông tin của các bên ký thỏa thuận bảo mật. Là họ tên, CCCD của cá nhân, là tên, mã số đăng ký của tổ chức (và thông tin của người đại diện tổ chức, giấy ủy quyền). Kèm theo đó cũng cần có thêm các thông tin liên lạc như địa chỉ, số điện thoại, email.
- Lý do của việc cung cấp thông tin bí mật: Là cơ sở, lý do để các bên cung cấp thông tin bí mật cho nhau; cũng là cơ sở để xác định các thông tin được tiếp cận từ nguồn nào thì được xem là thông tin mật.
- Các thông tin được xem là thông tin bí mật: Đối tượng chính của thỏa thuận này. Các bên cần làm rõ về thông tin này, tránh việc bỏ sót thông tin bí mật, hoặc quy định phạm vi thông tin bí mật quá lớn, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung.
- Các hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho bên thứ ba: Là ràng buộc chính giữa các bên. Bao gồm việc không được cung cấp thông tin cho các đối tượng nào, việc cung cấp thông tin bí mật bắt buộc (cho cơ quan nhà nước), thủ tục phải làm nếu muốn cung cấp thông tin bí mật (ví dụ: thông báo và được bên sở hữu thông tin bí mật đồng ý).
- Thời hạn bảo mật: Có thể có thời hạn, hoặc vô thời hạn, tùy vào mức độ quan trọng, mức độ mật của thông tin. Đặc biệt là vấn đề bảo mật sau khi thỏa thuận hết hiệu lực.
- Trách nhiệm bồi thường khi vi phạm cam kết.
- Các thỏa thuận chung khác như ngôn ngữ áp dụng, giải quyết tranh chấp, hiệu lực.
Bảo mật thông tin là một hoạt động vô cùng quan trọng của doanh nghiệp. Vì vậy, kể cả đã ký cam kết bảo mật/thỏa thuận bảo mật, doanh nghiệp cũng nên cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin bí mật ra bên ngoài, cũng như theo dõi sát sao việc bảo vệ thông tin bí mật của Công ty.
Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến thỏa thuận bảo mật, xin đừng ngần ngại Liên hệ với An Luật Việt Nam để được hỗ trợ, tư vấn.