Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Nhượng Quyền Thương Mại
Hiện tại, mô hình kinh doanh dạng chuỗi (đặc biệt là các chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống như cà phê, trà sữa, kem …) đang ngày càng phát triển. Thông thường, nhà đầu tư thường sẽ ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với chủ sở hữu thương hiệu để tham gia đầu tư và vận hành một cửa hàng trong hệ thống, với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo cũng như phương cách vận hành chung của hệ thống.
Theo điều 285 Luật Thương mại 2005, Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản (hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, như hợp đồng điện tử).
Hệ thống kinh doanh dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất một năm.
Cũng cần lưu ý rằng, trước khi thực hiện các hoạt động nhượng quyền thương mại, bên dự kiến nhượng quyền (chủ sở hữu thương hiệu) sẽ phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương (theo quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại).
Văn bản liên quan:
- Luật thương mại 2005.
- Nghị định 35/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.
- Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.
- Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi thủ tục hành chính tại Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại.
- Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Các nội dung cần có trong hợp đồng nhượng quyền thương mại:
- Thông tin các bên trong hợp đồng, gồm: Họ và Tên các bên (cá nhân), tên của tổ chức (và thông tin người đại diện của tổ chức ký hợp đồng); số CCCD hoặc mã số thuế/mã số doanh nghiệp; thông tin liên lạc của mỗi bên (địa chỉ, số điện thoại, e-mail, website); thông tin tài khoản NH (phục vụ việc chuyển khoản thanh toán); thông tin giấy ủy quyền (nếu có).
- Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền: Là hoạt động kinh doanh cụ thể, ví dụ như:
- Được quyền sử dụng nhãn hiệu “An Luật” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số……… của Bên nhượng quyền để ghi trên bảng hiệu cửa hàng, sản phẩm, hóa đơn, giấy tờ giao dịch và các phương tiện kinh doanh khác của bên nhận quyền.
- Được quyền sử dụng kiểu dáng của sản phẩm A/B/C (nên đính kèm theo hình ảnh, cũng như có thêm mẫu vật cụ thể). Kiểu dáng này có thể là mẫu ghế ngồi, mẫu đồng phục, mẫu ly tách, bao bì, cách bài trí cửa hàng …
- Được sử dụng logo, biểu tượng, slogan, băng rôn, biển quảng cáo của bên nhượng quyền là……
- Được sử dụng các công thức, phương cách vận hành, định hướng kinh doanh (gọi chung là các bí mật kinh doanh) … của bên nhượng quyền để kinh doanh tại cửa hàng nhượng quyền..
- Phạm vi của hoạt động nhượng quyền, bao gồm các thông tin:
- Phạm vi địa lý: Trong lãnh thổ VN hay nhượng quyền cả ở nước ngoài (nếu làm ở nước ngoài thì còn phải tuân thủ quy định từng nước).
- Hình thức nhượng quyền: Độc quyền hay không độc quyền; nếu độc quyền thì phạm vi độc quyền như thế nào (trong tỉnh/thành, hay khu vực nào). Trường hợp không độc quyền thì bên nhận quyền cần lưu ý thêm về khoảng cách giữa các cửa hàng nhượng quyền trong cùng khu vực.
- Số lượng cửa hàng nhượng quyền mà bên nhận quyền được mở.
- Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại hay không (nhượng quyền thứ cấp).
- Phí nhượng quyền: Thường sẽ có 2 khoản phí, là phí nhượng quyền ban đầu (một khoản tiền cố định) và phí định kỳ hàng tháng/quý (là khoản cố định hoặc tỉ lệ theo doanh thu). Các bên cũng nên nêu rõ về phương thức thanh toán (tiền mặt hay chuyển khoản) và thời hạn thanh toán từng kỳ.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Đối với bên nhượng quyền thì thường sẽ có nêu quy định về quyền sở hữu thương hiệu, quyền kiểm tra hệ thống, quyền nhận thanh toán phí nhượng quyền và quyền thay đổi các tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống. Kèm theo đó là nghĩa vụ đào tạo nhân viên cho bên nhận quyền, cũng như hướng dẫn cho bên nhận quyền để có thể vận hành cửa hàng đúng theo tiêu chuẩn của hệ thống.
Đối với bên nhận quyền thì thường sẽ có quyền yêu cầu về sự đào tạo, hướng dẫn, và quyền sử dụng các đối tượng đã được nhượng quyền (nhãn hiệu, logo, slogan, công thức …), kèm theo đó là nghĩa vụ trả phí nhượng quyền, tôn trọng quyền sở hữu công nghiệp của bên nhượng quyền và nghĩa vụ tuân thủ các tiêu chuẩn của hệ thống.
Các bên cũng có thể có thêm các quy định khác về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, tùy theo hệ thống nhượng quyền. - Các quy định chung khác như: Phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại; các trường hợp tạm ngừng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp; hiệu lực hợp đồng.
Hoạt động nhượng quyền là một hoạt động phức tạp, gắn liền với nhiều yếu tố kỹ thuật và pháp lý. Vì vậy, cả bên nhượng quyền hay bên nhận quyền đều nên cẩn thận trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền. Đặc biệt, các bên nên ký kết thêm thỏa thuận bảo mật thông tin để đảm bảo an toàn cho các bí mật kinh doanh được trao đổi giữa hai bên khi thực hiện nhượng quyền.
Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến việc nhượng quyền thương mại, xin đừng ngần ngại Liên hệ với An Luật Việt Nam để được hỗ trợ, tư vấn.