Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Gia Công Hàng Hóa
Hoạt động gia công là một hoạt động sản xuất hàng hóa thường gặp ở Việt Nam, đặc biệt là gia công hàng hóa cho nước ngoài. Trong đó, các nhà máy sản xuất ở Việt Nam sẽ đóng vai trò là bên nhận gia công, để gia công hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng.
Theo Điều 178 Luật Thương mại 2005 thì Gia công trong thương mại được định nghĩa là một hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Luật Thương mại 2005 cũng quy định Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Văn bản liên quan:
- Luật Thương mại 2005
- Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương
Các nội dung cần có trong Hợp đồng gia công:
- Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp. Ngoài ra, cũng cần thêm các thông tin khác như: người đại diện của tổ chức ký hợp đồng gia công; số CCCD hoặc mã số thuế/mã số doanh nghiệp; thông tin liên lạc của mỗi bên (địa chỉ, số điện thoại, email, website); thông tin tài khoản NH (phục vụ việc chuyển khoản thanh toán); thông tin giấy ủy quyền (nếu có).
- Tên, số lượng sản phẩm gia công. Các bên nên nêu rõ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thiện việc gia công. Đặc biệt là khi gia công hàng hóa xuất khẩu thì cần có thêm thông tin về sở hữu trí tuệ của hàng hóa (nếu không có thể sẽ không thể xuất khẩu được).
- Đơn giá gia công: tính theo sản phẩm, theo công đoạn hay theo đơn giá nào khác.
- Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán. Bao gồm thông tin đặt cọc, các lần thanh toán, hình thức thanh toán. Bên cạnh đó cũng nên thoả thuận rõ các chi phí phát sinh khi thanh toán (ví dụ phí chuyển khoản, phí đổi ngoại tệ…)
- Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công. Cần lưu ý phân biệt các nguyên phụ liệu, vật tư nhập khẩu và các nguyên phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có); định mức sử dụng nguyên phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công. Ngoài ra, cũng cần làm rõ các nguyên phụ liệu, vật tư trên là do bên giao gia công cung cấp hay bên gia công tự chuẩn bị (điều này sẽ ảnh hưởng đến đơn giá gia công).
- Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị mà bên đặt gia công cho bên gia công thuê, mượn để phục vụ gia công (nếu có).
- Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.
- Địa điểm và thời gian giao hàng. Nếu gia công hàng xuất khẩu thì cần lưu ý thời điểm chuyển giao hàng hóa (chuyển giao rủi ro). Ngoài ra cũng cần lưu ý các chi phí phát sinh của hoạt động giao nhận, ví dụ như phí bốc dỡ hàng hóa.
- Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa. Cần lưu ý các thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ của hàng hóa (mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu …).
- Trách nhiệm của các bên: tham khảo theo điều 181, 182 Luật Thương mại 2005 (và các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác, theo nhu cầu).
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Trên thực tế, hoạt động gia công hàng hóa còn có thể thể hiện dưới dạng sản xuất theo đơn đặt hàng. Hai hoạt động này có hình thức thể hiện khá giống nhau, đều là một bên thực hiện sản xuất hàng hóa theo yêu cầu mẫu mã của một bên, nhưng sẽ có một số khác biệt trong việc xác định quyền sở hữu hàng hóa, cũng như về nguyên phụ liệu sản xuất (và trong thủ tục hải quan thì cũng có sự khác biệt giữa “gia công hàng hóa xuất khẩu” và “Sản xuất xuất khẩu hàng hóa”). Tùy thuộc vào thói quen của mình, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức hợp đồng cho phù hợp.
Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến hợp đồng gia công hàng hóa xin đừng ngần ngại Liên hệ với An Luật Việt Nam để được hỗ trợ, tư vấn.