Hợp Đồng Đào Tạo
Chế độ đào tạo, nâng cao tay nghề là một trong những phúc lợi mà doanh nghiệp dành cho NLĐ. Tất nhiên, đi kèm với chế độ này là các cam kết giữa doanh nghiệp và NLĐ. Và theo quy định pháp luật, các cam kết này cần được lập thành văn bản để ghi nhận rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên, qua đó ràng buộc các bên phải có tránh nhiệm với cam kết của mình.
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng đào tạo nghề sẽ được ký “trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.”
Các văn bản liên quan:
– Bộ luật Lao động 2019.
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Các nội dung cần có trong Hợp đồng đào tạo:
1. Nghề đào tạo: Là nội dung mà doanh nghiệp sẽ đào tạo cho NLĐ, ví dụ như các khóa học nâng cao chuyên môn.
2. Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo
– Địa điểm đào tạo có thể là tại doanh nghiệp hoặc tại cơ sở đào tạo
– Thời gian đào tạo tùy theo khóa học, có thể bao gồm cả ngày CN.
– Tiền lương trong thời gian đào tạo: về quy định tại điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý là thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương. Vì vậy, Công ty phải chi trả lương cho NLĐ trong thời gian học tập này.
Trong hợp đồng cần nêu rõ cách thức tính lương để tránh tranh chấp giữa hai bên.
3. Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
Đây là cam kết trách nhiệm của NLĐ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý làm rõ trong các trường hợp NLĐ bị buộc phải nghỉ việc (NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc, NLĐ bị kỷ luật sa thải, NLĐ đưa thông tin gian đối gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng…) vậy thì cách giải quyết cam kết thời gian làm việc này như thế nào.
4. Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về:
– Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành…
– Các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học.
– Chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo (nếu NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài).
Trách nhiệm hoàn trả của NLĐ thường sẽ chia làm 2 trường hợp:
– Trách nhiệm hoàn trả khi không hoàn thành khóa đào tạo (ví dụ không đi học đầy đủ, rớt môn, bị cơ sở đào tạo đuổi học…)
– Trách nhiệm hoàn trả khi vi phạm cam kết thời gian làm việc sau đào tạo.
5. Trách nhiệm của người sử dụng lao động: Chủ yếu là các trách nhiệm liên quan đến điều kiện học của NLĐ như tạo điều kiện cho NLĐ đi học, đóng đủ học phí…
6. Trách nhiệm của người lao động: Chủ yếu là các trách nhiệm liên quan đến kết quả học như: Lên lớp đầy đủ, đúng giờ, đạt yêu cầu về kết quả kiểm tra, thực hiện cam kết về thời gian làm việc, bảo mật các thông tin thuộc bí mật doanh nghiệp (nếu có).