Quyền Sở Hữu Nhà Của Người Nước Ngoài, Người Việt Nam Định Cư Tại Nước Ngoài
Hiện tại có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam, cũng như có nhiều người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có ý định trở lại Việt Nam sinh sống. Các đối tượng có nhu cầu mua nhà/sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ổn định cuộc sống. Pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện điều này, nhưng người muốn mua nhà và căn nhà dự kiến mua sẽ phải đáp ứng những điều kiện nhất định.
“Người nước ngoài” là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Người gốc Việt Nam là người sinh ra ở nước ngoài, mang quốc tịch của nước ngoài, nhưng có bố đẻ hoặc mẹ đẻ, hoặc cả bố mẹ đẻ, hoặc ông bà, tổ tiên đều là người Việt Nam.
Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Có thể chia nhà ở thành 2 loại là:
- Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt.
- Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
Văn bản liên quan:
- Luật đất đai 2013.
- Luật Nhà ở 2014.
- Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở.
- Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở.
- Thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở.
Quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
Về quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
Nói cách khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền gần như tương tự với người Việt Nam ở trong nước đối với quyền sở hữu nhà ở.
Trong hồ sơ đăng ký biến động (đăng ký sổ hồng) để ghi nhận quyền sở hữu thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần cung cấp giấy tờ chứng minh quyền mua nhà của mình:
- Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
- Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài:
Đối với cá nhân người nước ngoài thì bị hạn chế hơn nhiều về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối tượng này chỉ có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua 2 hình thức:
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan (tức là phải đăng ký dự án đầu tư xây dựng nhà ở – điều gần như bất khả thi với cá nhân người nước ngoài).
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh (Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường). Hiểu đơn giản là người nước ngoài chì có thể mua nhà/nhận tặng cho/nhận thừa kế nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại, không thể sở hữu nhà ở riêng lẻ bình thường của cá nhân, hộ gia đình.
Cá nhân người nước ngoài cũng bị hạn chế chỉ được sở hữu nhà không quá 50 năm. Các dự án nhà ở thương mại bán cho người nước ngoài cũng phải đảm bảo là tổng số người nước ngoài sở hữu nhà ở trong dự án không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư (nếu là nhà ở riêng lẻ thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường người nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà).
Trên thực tế, việc sở hữu ở tại Việt Nam của cá nhân người nước ngoài rất phức tạp. Họ chỉ có thể tìm kiếm các căn nhà tại các dự án nhà ở thương mại (không thể mua nhà riêng lẻ của cư dân), và phải đảm bảo căn nhà của mình không nằm trong khu vực quốc phòng, an ninh.
Thủ tục để thực hiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở cũng phức tạp hơn rất nhiều – do các cơ quan chức năng phải thẩm tra, kiểm tra nhiều nội dung hơn so với người Việt Nam.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, về mặt quy định thì họ có quyền tương tự như người Việt Nam. Tuy nhiên, tùy thuộc vào việc những người này có còn giữ giấy tờ quốc tịch Việt Nam (hoặc mức độ chính xác, rõ ràng của các giấy tờ chứng minh gốc Việt) hay không mà mức độ phức tạp của hồ sơ sẽ khác nhau.
Vì vậy, nếu muốn tìm kiếm nhà ở tại Việt Nam, tốt nhất là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên thông qua các đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ, chuyên hoạt động trong lĩnh vực này để được tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm nhà ở cũng như chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cùng các tài liệu chứng minh khác để thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà. Không nên tự tìm kiếm, tự chuẩn bị hồ sơ, có thể sẽ làm mất nhiều thời gian và chi phí mà công việc không được như ý.
Nếu có vấn đề thắc mắc, xin đừng ngần ngại Liên hệ với An Luật Việt Nam. Công ty chúng tôi, với đội ngũ Luật sư, tư vấn viên giàu kinh nghiệm, sẽ tư vấn cho khách hàng để kiểm tra đảm bảo an toàn pháp lý và lợi ích hợp pháp cho mọi hoạt động mua bán của khách hàng.
Liên hệ Luật sư
ĐT: (+84) 986 995 543
Email: info@anlawvietnam.com
08:00 – 18:00 (GMT+7) Thứ 2 – Thứ 6