Thế Nào Là Đơn Phương Chấm Dứt HĐLĐ Trái Pháp Luật ?
Trong quá trình làm việc, sẽ có thời điểm mà doanh nghiệp hoặc NLĐ không còn muốn tiếp tục HĐLĐ và thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp hoặc NLĐ đã thực hiện không đúng quyền của mình, dẫn đến hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp NLĐ hoặc DN chấm dứt hợp đồng lao động không đúng theo quy định pháp luật.
Các văn bản cần xem:
- Bộ luật Lao động 2019.
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Các trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật:
a. Đối với NLĐ:
Hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật duy nhất mà NLĐ mắc phải đó là thông báo trước không đúng quy định. Đặc biệt, điều này thường xảy đến với nhóm lao động phổ thông, với trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao, và chưa có sự nghiêm túc trong việc tuân thủ các HĐLĐ đã ký kết (sẵn sàng nghỉ việc ngay, thậm chí là không một lời báo trước, vì mâu thuẫn trong khi làm việc, hay vì nghi ngờ doanh nghiệp chèn ép, hay vì tìm được công việc có mức lương nhỉnh hơn đôi chút…)
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NLĐ sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định, đồng thời sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ cơ quan BHXH:
- Không được trợ cấp thôi việc (do doanh nghiệp chi trả).
- Phải bồi thường cho doanh nghiệp nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả cho doanh nghiệp chi phí đào tạo (nếu có).
b. Đối với Doanh nghiệp:
Hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thường gặp ở doanh nghiệp “phong phú” hơn so với NLĐ (vì doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn); có thể kể đến như:
- Vi phạm thời gian báo trước: Yêu cầu NLĐ phải nghỉ ngay, ví dụ sau 1,2,3 … ngày kể từ ngày thông báo.
- Không có Quy chế đánh giá (được ban hành đúng quy định) nhưng vẫn đánh giá NLĐ là thường xuyên không hoàn thành công việc.
- Không đánh giá đúng lý do NLĐ không có mặt tại nơi làm việc (có phải là lý do chính đáng hay không).
- Đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ; đặc biệt là đơn phương với các NLĐ nam (vì đây là điểm mới so với quy định trước đây).
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải nhận NLĐ
vào làm việc lại, đồng thời bồi thường cho NLĐ theo quy định (phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì còn phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương HĐLĐ trong những ngày không báo trước).
Trường hợp NLĐ không muốn quay lại làm việc thì tùy tình huống các bên thương lượng, nhưng hầu như doanh nghiệp sẽ phải bồi thường thêm cho NLĐ ít nhất là 02 tháng tiền lương HĐLĐ.