Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Chuyển Giao Công Nghệ
Theo quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
Công nghệ được hiểu là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm; có thể chia thành Công nghệ tiên tiến, Công nghệ mới, Công nghệ sạch, Công nghệ cao.
Theo quy định, việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản và phải được các bên ký, đóng dấu; ký, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.
Văn bản liên quan:
- Luật Chuyển giao công nghệ 201.
- Nghị định 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ.
Nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ:
- Tên đầy đủ của bên chuyển giao và bên được chuyển giao, cùng với các thông tin liên lạc khác như địa chỉ, số điện thoại, fax, email, website; và thông tin tài khoản ngân hàng.
- Tên công nghệ được chuyển giao.
- Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, như: Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; Máy móc, thiết bị đi kèm theo các đối tượng trên. Cần lưu ý là nếu đối tượng công nghệ chuyển giao được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Phạm vi chuyển giao: Chuyển nhượng quyền sở hữu hay chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
- Phương thức chuyển giao công nghệ: bao gồm Chuyển giao công nghệ độc lập, Chuyển giao trong dự án đầu tư, Góp vốn bằn công nghệ, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, mua bán máy móc thiết bị (gắn liền với công nghệ).
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
- Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
- Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
- Các nội dung chung khác như Phạt vi phạm hợp đồng, Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, Cơ quan giải quyết tranh chấp…
Lưu ý: pháp luật Việt Nam có quy định các công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao, vì vậy cần kiểm tra kỹ nội dung công nghệ trước khi ký kết hợp đồng, tránh trường hợp nhận chuyển giao các công nghệ bị cấm, hạn chế (đặc biệt là chuyển giao từ nước ngoài).
Một số công nghệ bị cấm chuyển giao:
- Không đáp ứng quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;
- Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Công nghệ, máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.