Bảo Hiểm Xã Hội – Bảo Hiểm Y Tế – Bảo Hiểm Thất Nghiệp
Khi NLĐ làm việc trong doanh nghiệp, các bên sẽ phải tham gia các loại Bảo Hiểm bắt buộc theo quy định pháp luật, gồm: Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLDBNN).
Các loại bảo hiểm (BH) cho Người Lao Động:
- Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BH xã hội.
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình BH xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
- Bảo hiểm y tế là hình thức BH bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
- Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm…
Các văn bản liên quan:
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Luật bảo hiểm y tế 2008.
- Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.
- Luật việc làm 2013.
- Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế.
- Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
- Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/09/2021.
Đối tượng tham gia trong doanh nghiệp:
- Bảo hiểm xã hội: NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ 1 tháng trở lên.
- Bảo hiểm y tế: NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ 3 tháng trở lên.
- Bảo hiểm thất nghiệp: NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ 3 tháng trở lên.
- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ 1 tháng trở lên.
Mức đóng các loại bảo hiểm trong doanh nghiệp:
- Bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp đóng 18% NLĐ đóng 8%.
- Bảo hiểm y tế: Doanh nghiệp đóng 3% NLĐ đóng 1.5%.
- Bảo hiểm thất nghiệp: Doanh nghiệp đóng 1% NLĐ đóng 1%.
- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Doanh nghiệp đóng 0.5% NLĐ không đóng.
Tổng mức đóng các loại bảo hiểm:
- Doanh nghiệp đóng 21.5%, NLĐ đóng 10.5% (đối với BH TNLD, BNN thì có thể giảm còn 0.3% nếu doanh nghiệp đáp ứng về số vụ TNLĐ, BNN phát sinh trong năm).
- Các khoản sẽ phải được đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.
Tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ, BNN: Theo quy định, tiền lương làm căn cứ đóng sẽ bao gồm:
- Mức lương (xác định theo thang bảng lương và mức lương ghi nhận trong HĐLĐ).
- Các khoản phụ cấp có tính cố định (ví dụ: Phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ…).
- Các khoản bổ sung khác có tính cố định.
- Tiền lương làm căn cứ đóng sẽ không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
- Các khoản tiền thưởng như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến cũng không phải là tiền lương, không phải là cơ sở để tính đóng BHXH.
- Doanh nghiệp cần lưu ý xác định đúng về tính chất của các khoản chế độ, phúc lợi mà NLĐ đang hưởng để có thể xác định đúng tiền lương làm cơ sở tính đóng BHXH, tránh việc đóng thiếu (có thể bị phạt vi phạm hành chánh đến 75 triệu).
- Doanh nghiệp và NLĐ cũng lưu ý tránh thỏa thuận việc không đóng các loại BH bắt buộc. Hành vi này nếu bị phát hiện sẽ bị phạt vi phạm hành chánh đến 1 triệu đồng (với NLĐ) và 75 triệu đồng (với doanh nghiệp). Trường hợp doanh nghiệp chậm đóng các loại BH từ 30 ngày trở lên thì ngoài tiền phạt vi phạm hành chánh, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp theo quy định (tại năm 2023, lãi suất chậm nộp đối với BHYT là 1,6016%/tháng, đối với các loại BH khác là 0,6984%/tháng).