Chuyển nhượng dự án đầu tư
Quá trình đầu tư kinh doanh không phải lúc nào cũng suông sẻ; sẽ có lúc nhà đầu tư muốn chuyển nhượng (một phần hoặc toàn bộ) dự án đầu tư của mình cho một bên khác.
Về mặt quy định, nếu đáp ứng đủ các điều kiện của Luật Đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của mình. Và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng sẽ được kế thừa quyền, nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chuyển nhượng.
Việc chuyển nhượng này sẽ phải làm thủ tục theo quy định, và nếu có phát sinh lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án thì nhà đầu tư sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp thuế) cho nhà nước.
Văn bản liên quan:
- Luật Đầu tư 2014.
- Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.
Điều kiện để chuyển nhượng dự án đầu tư:
Việc chuyển nhượng dự án đầu tư (một phần hoặc toàn bộ) cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Phần dự án chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động.
- Tuân thủ các điều kiện về đất đai (về chủ đầu tư) nếu có chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư.
- Nếu chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường, an ninh quốc phòng, và vấn đề sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
- Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản nếu chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
- Các điều kiện nêu tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
Thủ tục thực hiện:
- Đối với các trường hợp phải thực hiện Lựa chọn nhà đầu tư (như dự án có đấu giá quyền sử dụng đất; dự án cần đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…) thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.
- Các trường hợp khác, nếu chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh (để ghi nhận thông tin chủ đầu tư mới vào giấy chứng nhận) thì cũng có thể thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.
- Ngoài ra, các bên vẫn phải thực hiện các thủ tục chuyển nhượng khác để chuyển giao các tài sản của dự án (ví dụ về quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình trên đất; hoặc điều chỉnh đăng ký kinh doanh…)
Lưu ý:
Ngoài các thủ tục hành chính thì một vấn đề rất quan trọng trong việc nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đó là kiểm tra lại hoạt động của dự án, đặc biệt là các hồ sơ liên quan đến tài chính, kế toán và quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Đồng thời cũng cần kiểm tra xem dự án trong quá trình hoạt động có các vi phạm pháp luật nào hay không (ví dụ: vi phạm hành chính về môi trường, có tranh chấp về lao động…). Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định có nhận chuyển nhượng dự án hay không, nhưng thường sẽ không được bên chuyển nhượng công khai một cách rõ ràng.