Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Hợp Tác Đầu Tư
Hợp tác đầu tư là việc hai hay nhiều bên cùng thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận về việc đóng góp công sức, tài sản để thực hiện một dự án đầu tư cụ thể, việc hợp tác đầu tư này thường sẽ không cần phải thành lập mới một tổ chức kinh tế.
Trong thỏa thuận hợp tác, các bên cần phải phân chia rõ trách nhiêm của từng bên, cũng như làm rõ phương án phân chia lợi nhuận (và các khoản lỗ), cũng như phân chia tài sản sau khi kết thúc đầu tư.
Theo khoản 2 Điều 504 Bộ luật dân sự 2015, nội dung thỏa thuận cần ghi nhận thành văn bản cụ thể (hợp đồng hợp tác đầu tư) để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tránh các tranh chấp về sau.
Các văn bản liên quan:
- Luật Thương mại 2005.
- Luật Đầu tư 2014.
- Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản luật chuyên ngành có liên quan đến từng nội dung đầu tư.
Nội dung của hợp đồng:
Thông thường hợp đồng hợp tác đầu tư sẽ có các nội dung sau:
- Thông tin đầy đủ của các bên trong hợp đồng: Tên đầy đủ của mỗi bên (và người đại diện của tổ chức tham gia vào hợp đồng); các thông tin liên lạc của hai bên như địa chỉ, số điện thoại, fax, email, website; thông tin tài khoản ngân hàng.
- Thông tin về dự án đầu tư của hai bên, chủ yếu gồm các thông tin:
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
- Kế hoạch, tiến độ và thời hạn thực hiện dự án đầu tư.
- Tổng giá trị đầu tư.
- Phần đóng góp của các bên: bất động sản, động sản, nguyên phụ liệu, tiền, tài sản vô hình (như quyền sở hữu trí tuệ), nguồn lao động, các tài sản khác…
- Vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong dự án.
- Phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên (lời, lỗ).
- Phân chia tài sản sau khi kết thúc dự án đầu tư.
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng: các bên khi tham gia vào hợp đồng hợp tác thì sẽ phải đóng góp tài sản, công sức vào hoạt động đầu tư, và sẽ được hưởng lợi nhuận thu được từ hoạt động hợp tác đầu tư (nếu có), cũng như chịu chung trách nhiệm về các khoản lỗ. Các bên cũng sẽ có quyền tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hợp tác. Nếu một thành viên có lỗi và gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho các thành viên khác trong hợp đồng. Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên chủ yếu sẽ xoay quanh các vấn đề này.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
- Các thỏa thuận khác như: các trường hợp để sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng…
Lưu ý: Trong trường hợp việc hợp tác đầu tư dẫn đến việc thành lập một doanh nghiệp mới thì doanh nghiệp này vẫn hoạt động theo quy định chung của luật Doanh nghiệp. Các thành viên trong hợp đồng hợp tác đầu tư sẽ có quyền trong doanh nghiệp mới theo trị giá phần vốn góp/trị giá cổ phần của mỗi bên (có tham khảo theo thỏa thuận của các bên khi hợp tác đầu tư).
Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư, xin đừng ngần ngại Liên hệ với An Luật Việt Nam để được hỗ trợ, tư vấn.