Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Chuyển Nhượng Quyền Sở Hữu Trí Tuệ
Theo định nghĩa của luật Sở hữu trí tuệ, “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.
Trong quá trình hoạt động của mình, có thể chủ sở hữu của Quyền sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu trí tuệ) sẽ mong muốn chuyển nhượng quyền này (tức là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác).
Pháp luật về Sở hữu trí tuệ yêu cầu việc chuyển nhượng này sẽ phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp).
Văn bản liên quan:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp:
Theo quy định, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng. Bên cạnh đó, các bên cũng nên có thêm các thông tin liên lạc khác như số điện thoại, fax, email, website; và thông tin tài khoản ngân hàng.
- Căn cứ chuyển nhượng: thông tin về các văn bằng bảo hộ của các quyền sở hữu công nghiệp được chuyển nhượng.
- Giá chuyển nhượng. Giá này do các bên thương lượng với nhau. Các bên nên làm rõ cả vấn đề về kỳ thanh toán, hình thức thanh toán, trách nhiệm với các khoản phí phát sinh.
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
- Cần lưu ý các nội dung sau khi xác định đối tượng chuyển nhượng:
- Không được chuyển nhượng ngoài phạm vi được bảo hộ.
- Không được chuyển nhượng quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu mà có thể gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
- Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.
Đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp:
Cần lưu ý là đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp gồm:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.