Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Li-Xăng Nhãn Hiệu
Với một số thương hiệu đang phát triển, khi chủ sở hữu thương hiệu mong muốn mở rộng quy mô thị trường, tăng mức độ nhận biết của người tiêu dùng đối với thương hiệu của mình, họ có thể thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho một/một số doanh nghiệp khác để cùng sử dụng, phát triển thương hiệu.
Theo quy định tại Điều 141 Luật Thương mại 2005, trong trường hợp này, các bên đang thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Việc này phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp – hay còn gọi là hợp đồng Li-xăng).
Văn bản liên quan:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Một số lưu ý trong hợp đồng Li-xăng:
- Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao (không thể ký hợp đồng Li-xăng với nhóm này).
- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
- Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
Các dạng hợp đồng Li-xăng
Theo phân chia của Luật Thương mại 2005 thì có 3 loại hợp đồng li-xăng:
- Hợp đồng độc quyền: trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
- Hợp đồng không độc quyền: trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;
- Hợp đồng thứ cấp: trong đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác (tức là chuyển giao lại cho bên thứ ba).
Nội dung cần có trong hợp đồng Li-xăng:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền. Ngoài ra nên có thêm các thông tin liên lạc như số điện thoại, email, website; và thông tin tài khoản ngân hàng.
- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng: là các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp (là đối tượng của hợp đồng này).
- Dạng hợp đồng: độc quyền/không độc quyền/Hợp đồng thứ cấp
- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ: cần lưu ý là bên chuyển giao chỉ có thể chuyển giao các quyền mà mình được phép thực hiện, và không thể chuyển giao các đối tượng không được phép (vd chỉ dẫn địa lý thì không được chuyển giao).
- Thời hạn hợp đồng.
- Giá chuyển giao quyền sử dụng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
- Cần lưu ý là có một số nội dung sẽ không được đưa vào hợp đồng (nếu đưa vào thì cũng mặc nhiên bị vô hiệu).
- Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; hoặc buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến trên, hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;
- Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng Li-xăng sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó;
- Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định (trừ trường hợp nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ).
- Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.