Tư Vấn, Soạn Thảo Hợp Đồng Môi Giới Thương Mại
Hoạt động môi giới là một hoạt động hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường (đối tác, nguồn cung nguyên phụ liệu, nhu cầu hàng hóa …) đặc biệt là với các doanh nghiệp mới thành lập hay hoạt động đầu tư vào các thị trường mới. thương mại rất rộng.
Theo Điều 150 Luật Thương mại 2005 thì Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
Văn bản liên quan:
- Luật Thương mại 2005.
- Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương.
Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng môi giới:
- Đối với bên môi giới thương mại thì sẽ có các nghĩa vụ sau:
- Bảo quản các mẫu hàng hóa, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
- Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;
- Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới (trừ việc chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán);
- Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có ủy quyền của bên được môi giới.
- Đối với bên được môi giới sẽ có các nghĩa vụ sau:
- Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hóa, dịch vụ;
- Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.
Tất nhiên, nếu các bên có thỏa thuận thì có thể có thêm các nghĩa vụ khác cho mỗi bên. Các nghĩa vụ này sẽ được ghi nhận vào hợp đồng môi giới của các bên, để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, tránh tranh chấp.
Nội dung chính của hợp đồng môi giới:
- Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp. Ngoài ra, cũng cần thêm các thông tin khác như: người đại diện của tổ chức ký hợp đồng gia công; số CCCD hoặc mã số thuế/mã số doanh nghiệp; thông tin liên lạc của mỗi bên (địa chỉ, số điện thoại, email, website); thông tin tài khoản NH (phục vụ việc chuyển khoản thanh toán); thông tin giấy ủy quyền (nếu có).
- Đối tượng và nội dung môi giới: có thể là môi giới hàng hóa, hoặc môi giới dịch vụ (các bên nên nêu rõ thông tin về hàng hóa, dịch vụ trong phần này). Bên sử dụng dịch vụ môi giới nên làm rõ yêu cầu của mình đối với kết quả môi giới (Ví dụ: Giới thiệu được ít nhất 5 nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu), cũng như căn cứ để xác định hiệu quả của hoạt động môi giới (ví dụ ký được hợp đồng với ít nhất một khách hàng thông qua môi giới…)
- Quyền và nghĩa vụ của bên môi giới – bên được môi giới.
- Các chế tài trong trường hợp có bên vi phạm hợp đồng: bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng … đặc biệt là các chế tài trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐ trái luật.
- Các điều khoản về chấm dứt hợp đồng: bao gồm cả các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của mỗi bên.
- Các yêu cầu về bảo mật thông tin: hai bên nên nêu rõ như thế nào là thông tin mật, và làm rõ nghĩa vụ bảo mật thông tin của mỗi bên, cũng như trách nhiệm của bên vi phạm.
- Các quy định chung khác như: Giải quyết tranh chấp, hiệu lực hợp đồng.
Hợp đồng môi giới thương mại nên được xác định rõ các nội dung cần thiết (như liệt kê ở trên), và trình bày rõ ràng thành văn bản khi hai bên giao kết hợp đồng, nhằm đảm bảo quyền lợi của mỗi bên. Cũng cần lưu ý là mục đích chính và chủ yếu của hoạt động môi giới đó là để tìm kiếm và mở rộng cơ hội bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, khi giao kết hợp đồng, các bên nên chú ý và làm rõ các yêu cầu về kết quả môi giới, cũng như căn cứ để xác định hiệu quả của hoạt động môi giới (đây là cơ sở chính để tính và chi trả chi phí môi giới).
Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến hợp đồng môi giới, xin đừng ngần ngại Liên hệ với An Luật Việt Nam để được hỗ trợ, tư vấn.