Luật Sư Đại Diện Ủy Quyền Cho Công Ty Tại Tòa Án
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phải thực hiện các thủ tục tố tụng tại tòa án (hoặc các thủ tục tại trọng tài) để giải quyết tranh chấp là việc không doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, đây là thủ tục bắt buộc mà doanh nghiệp phải thực hiện để có thể yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong các tranh chấp. Và khi thực hiện các thủ tục tố tụng, các doanh nghiệp nên có sự hỗ trợ của luật sư, để đảm bảo rằng mình đã làm đúng, làm đủ và làm tốt nhất các thủ tục tố tụng cần thiết theo quy định.
Có nhiều loại tranh chấp mà doanh nghiệp có thể vướng phải:
- Tranh chấp về đất đai – nhất là việc xác định ranh giới đất khi thực hiện các dự án.
- Tranh chấp hợp đồng thương mại.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Tranh chấp lao động.
- Khởi kiện hành chánh về quyết định hành chánh không đúng quy định pháp luật của cơ quan nhà nước.
Văn bản có liên quan:
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
- Bộ luật dân sự 2015.
- Và các văn bản luật chuyên ngành có liên quan như Luật đất đai 2013, Luật Thương mại 2005, Bộ luật Lao động 2019…
Thủ tục tố tụng:
- Trong trường hợp doanh nghiệp là bên nguyên đơn, doanh nghiệp sẽ thực hiện khởi kiện theo 3 bước (để tòa án thụ lý):
- B1. Lập và nộp hồ sơ khởi kiện ra tòa án.
- B2. Tòa án ra thông báo nộp tạm ứng án phí.
- B3. Nhận thông báo và nộp tạm ứng án phí theo quy định. Sau đó nộp lại biên lai đã nộp tạm ứng án phí cho tòa để tòa án chính thức thụ lý.
Sau đó là thực hiện các thủ tục theo thông báo của tòa.
- Trong trường hợp doanh nghiệp là bên bị đơn, doanh nghiệp sẽ chính thức tham gia vào vụ án sau khi nhận được thông báo của tòa án. Các công việc cần làm đầu tiên đó là kiểm tra lại thông tin vụ án (ai khởi kiện, khởi kiện việc gì, còn thời hiệu hay không…) và làm văn bản đưa ý kiến cho tòa án để chính thức tham gia vào vụ án (hoặc yêu cầu tòa án không thụ lý vụ việc vì hết thời hiệu).
Vai trò của luật sư trong vụ án:
Thủ tục tố tụng tại tòa án thực tế gồm rất nhiều công việc, với nguyên đơn là việc soạn thảo và nộp đơn khởi kiện (xác định cơ quan có thẩm quyền thụ lý); với bị đơn là việc xác định thời hiệu khởi kiện của vụ việc (để yêu cầu tòa không thụ lý nếu đã hết thời hiệu), gửi yêu cầu phản tố; tất nhiên cả hai bên cũng sẽ phải tham gia các buổi lấy ý kiến, hòa giải tại toà, thực hiện trích lục hồ sơ (nếu cần), tham gia các buổi xét xử…
- Tùy vào thời điểm tham gia vào vụ việc, luật sư sẽ có thể thực hiện một phần, hoặc toàn bộ các công việc trên. Trong đó, phần việc quan trọng nhất mà luật sư có thể thực hiện cho thân chủ là phân tích các vấn đề pháp lý phát sinh của vụ việc tranh chấp. Từ các tình tiết vụ việc và các vấn đề pháp lý có liên quan, nguyên đơn (và bị đơn) sẽ xác định những người có liên quan đến vụ việc (ai là bị đơn, ai là nhân chứng, ai là người có quyền và nghĩa vụ liên quan …).
Luật sư cũng sẽ giúp khách hàng xác định những điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên trong vụ việc tranh chấp, từ đó xác định phương hướng tìm kiếm thêm thông tin, cũng như phương án bảo vệ các chứng cứ cần thiết, xác định thời điểm tối ưu nhất để nộp chứng cứ ra tòa án …
Các thông tin này cũng là những điểm quan trọng để thân chủ có thể làm việc trong các buổi hòa giải tại tòa cũng như để tranh tụng trong phiên tòa xét xử. - Sau khi đã có bản án sơ thẩm: việc thực hiện kháng cáo và tham gia phiên tòa phúc thẩm, xa hơn nữa là các thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, hay tổ chức thi hành án đối với bản án có hiệu lực cũng là những công việc rất quan trọng.
Nếu kháng cáo; luật sư sẽ căn cứ vào bản án sơ thẩm và các tài liệu, bằng chứng đang có trong tay để chọn lựa những điểm cần/nên kháng cáo, tư vấn cho thân chủ để thân chủ quyết định.
Trường hợp đã có bản án có hiệu lực thì luật sư sẽ tham gia để đảm bảo việc thi hành án đúng nội dung của bản án, đặc biệt là trong trường hợp bên có trách nhiệm theo bản án không tự nguyện thực hiện bản án.