Vai trò của luật sư trong vụ án hình sự
Trong việc giải quyết vụ án hình sự, luật sư có thể tham gia từ rất sớm – ngay từ giai đoạn “giải quyết tin báo tố giác tội phạm”. Sau khi vụ án đã có bản án có hiệu lực, luật sư vẫn có thể tham gia thực hiện một số công việc như làm đơn đề nghị “giám đốc thẩm”, “tái thẩm”. Có thể nói, Luật sư có một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án, nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án hình sự (làm rõ tính chất vụ án, để giảm nhẹ hình phạt hoặc gỡ tội cho bị can, bị cáo hay để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).
Trong vụ án hình sự, luật sư có thể tham gia để bào chữa/ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho:
- Bị can: Người/ pháp nhân bị khởi tố về hình sự.
- Bị cáo: Người/ pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.
- Bị hại: Là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản; là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra/ đe dọa gây ra.
- Nguyên đơn dân sự: Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Bị đơn dân sự: Cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Văn bản pháp luật liên quan:
Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Những công việc luật sư sẽ làm khi tham gia vào hoạt động tố tụng:
- Gặp, hỏi người bị buộc tội;
- Có mặt trong việc:
- Lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ,
- Hỏi cung bị can : Nếu được sự cho phép của người có thẩm quyền thì luật sư được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung kết thúc thì luật sư có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
- Hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định.
- Được báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định.
- Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của luật sư, quyết định tố tụng liên quan đến người mà luật sư bào chữa
- Đề nghị :
- Thay đổi : Người có thẩm quyền, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Thay đổi, hủy bỏ : Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định;
- Triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
- Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan + yêu cầu người có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá;
- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền;
- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần/ thể chất theo quy định của pháp luật.
Về việc lựa chọn luật sư bào chữa:
- Do người bị buộc tội, người đại diện/ người thân thích của họ lựa chọn.
- Trong thời hạn 12 giờ (đối với người bị bắt, bị tạm giữ) kể từ khi nhận được đơn yêu cầu : Cơ quan có thẩm quyền sẽ chuyển đơn này cho luật sư bào chữa.
- Trong thời hạn 24 giờ (đối với người bị tạm giam) kể từ khi nhận được đơn yêu cầu : Cơ quan có thẩm quyền sẽ chuyển đơn này cho luật sư bào chữa.
- Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền sẽ chuyển đơn này cho người đại diện/ người thân thích của họ để những người này nhờ luật sư bào chữa.
- Nếu có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.