Các Nội Dung Cần Có Trong Hợp Đồng
Hợp đồng là một văn bản ký kết giữa hai hoặc nhiều bên, nhằm ghi nhận lại thỏa thuận của các bên về một giao dịch cụ thể (có thể là các vấn đề dân sự thông thường như ủy quyền, đặt cọc, mua bán tài sản, cũng có thể là hợp đồng thương mại như mua bán hàng hóa, gia công, môi giới…). Đây là cơ sở để các bên thực hiện nghĩa vụ cũng như thụ hưởng quyền của mình trong giao dịch; đảm bảo sự minh bạch, công bằng giữa các bên trong giao dịch.
Hợp đồng theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Xét theo nội dung thì có nhiều loại hợp đồng, như:
- Hợp đồng mua bán tài sản/Hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Hợp đồng thuê/mượn tài sản.
- Hợp đồng dịch vụ.
- Hợp đồng gia công.
- Hợp đồng vận tải.
- Hợp đồng đặt cọc.
- Hợp đồng hứa mua, hứa bán.
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại.
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Hợp đồng ủy quyền.
Các văn bản pháp luật liên quan:
- Bộ luật Dân sự 2015.
- Luật Thương mại 2005.
Các nội dung cần có trong hợp đồng:
Chủ thể tham gia hợp đồng và đối tượng hợp đồng:
- Chủ thể tham gia hợp đồng là các bên trong hợp đồng. Mỗi bên có thể là cá nhân (cần đảm bảo là có đủ năng lực hành vi dân sự như: đủ 18 tuổi, không bị tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự) hoặc tổ chức (cần có người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền).
- Đối tượng hợp đồng có thể hiểu là nội dung mà hai bên hướng tới, vd hợp đồng mua bán tài sản thì tài sản chính là đối tượng hợp đồng; hợp đồng môi giới hàng hóa là công việc môi giới hàng hóa… Cần lưu ý là đối tượng của hợp đồng phải hợp pháp, và các chủ thể tham gia hợp đồng phải có quyền thực hiện các nội dung được nêu trong hợp đồng. Ví dụ nếu ký hợp đồng dịch vụ cầm cố tài sản thì bên nhận cầm cố phải có chức năng nhận cầm cố theo quy định.
Giá trị hợp đồng:
- Là giá trị tài sản mà một bên sẽ trao cho bên còn lại trong quan hệ giao dịch. Về lý thuyết, giá trị hợp đồng do các bên thỏa thuận và hợp đồng hoàn toàn có thể có giá trị “0 đồng” (ví dụ hợp đồng ủy quyền không có thù lao); tuy nhiên cần lưu ý là một số trường hợp, giá trị hợp đồng phải phù hợp với giá trị thị trường – đặc biệt là các hợp đồng có liên quan đến nghĩa vụ tài chính với nhà nước (ví dụ mua bán bất động sản).
- Giá trị này cũng cần phù hợp với đối tượng hợp đồng, đặc biệt là khi hợp đồng có giá trị phụ thuộc vào mức độ hoàn thành các nội dung của hợp đồng của các bên.
- Ví dụ hợp đồng thuê tài sản thì phải làm rõ đơn giá thuê tính như thế nào, theo ngày hay theo tháng; HĐ gia công hàng hóa thì phải xác định đơn giá gia công …
Thời gian, thời hạn thực hiện hợp đồng:
- Là thời gian để các bên thực hiện các nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Ví dụ hợp đồng vận chuyển thì việc cung cấp vận chuyển thực hiện trong bao nhiêu ngày, từ ngày nào đến ngày nào, mỗi ngày bao nhiêu tiếng. Hợp đồng ký gửi thì thời gian ký gửi là bao lâu (1 tháng, 1 quý hay 1 năm …)
Phương thức, thời hạn thanh toán:
- Hai bên có thể thỏa thuận để đưa ra phương thức thanh toán phù hợp với cả hai, ví dụ như: tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng, bảo lãnh thanh toán …
- Bên cạnh đó, thời hạn thanh toán cũng là một nội dung quan trọng, có thể là thanh toán ngay sau khi nhận tài sản; thanh toán trước một phần; thanh toán sau khi bên kia hoàn thành nghĩa vụ 30, 45…ngày; thanh toán thành nhiều lần…
Quyền và nghĩa vụ các bên:
- Tùy thuộc vào đối tượng hợp đồng, giá trị hợp đồng và các nội dung khác trong hợp đồng cũng như nhu cầu, mong muốn của cả hai bên thì sẽ có những nghĩa vụ, cam kết cụ thể. Ví dụ với hợp đồng gia công thì có yêu cầu về chất lượng hàng hóa, về bảo mật thiết kế, quyền sở hữu trí tuệ …
- Cũng có thể lặp lại những nghĩa vụ và cam kết của hai bên đã nêu tại điều khoản trước và những ràng buộc chi tiết (nếu cần thiết). Ví dụ như cam kết thanh toán đúng hạn, cam kết giao hàng hóa đúng chủng loại, cam kết quy định về bảo hành, bảo trì, quy định về lãi chậm trả nếu chậm thanh toán…
Phạt vi phạm:
- Điều khoản về phạt vi phạm là một điều khoản tùy nghi, không bắt buộc phải có (nhưng nếu không có thì không thể áp dụng). Tùy thuộc vào mục đích, nhu cầu của hai bên thì có thể thỏa thuận hoặc không thỏa thuận về nội dung này. Tuy nhiên, cần lưu ý là Theo quy định tại Luật Thương mại 2005 thì mức phạt vi phạm hợp đồng sẽ không được quá 8% giá trị nghĩa vụ trong hợp đồng.
Giải quyết tranh chấp:
- Nội dung thỏa thuận về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp (nếu có xảy ra). Cần lưu ý là nếu muốn chọn lựa nơi giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại thì hai bên cần/nên thỏa thuận ngay trong hợp đồng.
Lưu ý: Ngoài các nội dung chính nêu trên, sẽ còn nhiều vấn đề khác có thể thỏa thuận trong hợp đồng, vd như về vấn đề giao nhận hàng hóa, về vấn đề “độc quyền”, về vấn đề quản lý nhân sự của nhau… Dù thỏa thuận như thế nào đi chăng nữa thì cũng cần đảm bảo tính cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên; tránh trường hợp quá thiên lệch cho một bên vì có thể sẽ dẫn đến tình huống là hợp đồng không thể nào thực hiện được.
- Hợp đồng là một văn bản rất quan trọng, các bên nên thật sự cẩn trọng trước khi đặt bút ký kết.
- Nếu thấy cần thiết (đặc biệt là với các hợp đồng có giá trị lớn, hoặc ký kết hợp đồng trong lĩnh vực mới lạ, ít có kinh nghiệm) thì cá nhân, doanh nghiệp nên liên hệ đến các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm để được tư vấn hỗ trợ.
An Luật Việt Nam, với đội ngũ Luật sư, tư vấn viên giàu kinh nghiệm, luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng các vấn đề liên quan đến hợp đồng như soạn thảo hợp đồng, hợp đồng mẫu, tham gia thương thảo hợp đồng, review /xoát xét hợp đồng, kiểm tra tính hợp pháp của các điều khoản trong hợp đồng…
Trường hợp cần thiết, chúng tôi cũng có thể tham gia cùng khách hàng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, khởi kiện vụ án tại toàn án có thẩm quyền hoặc giải quyết tại trọng tài thương mại… đảm bảo an toàn pháp lý và lợi ích hợp pháp cho mọi hoạt động của khách hàng.