Thủ Tục Đăng Ký Đầu Tư Của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là tài liệu quan trọng để thực hiện các hoạt động tiếp theo, như thành lập công ty, xin thuê đất.
- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (và công ty con của DN này) sẽ được xem như là Nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các hình thức đầu tư ở VN nếu Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với công ty hợp danh).
- Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.
- Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Các văn bản cần xem:
- Luật Đầu Tư 2020.
- Luật sửa đổi năm 2022.
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về biểu mẫu.
Các hình thức đầu tư:
Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư theo các hình thức sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Các bước thực hiện thủ tục đầu tư:
Có 2 bước công việc chính khi thực hiện thủ tục đầu tư là (1) Xin chủ trương đầu tư và (2) Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
(1) Xin chủ trương đầu tư: Tùy thuộc vào lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, mức độ ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhu cầu sử dụng đất thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được giao cho các cơ quan khác nhau. Ví dụ: với Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; hay Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác thì sẽ do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Các dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay…; Dự án đầu tư chế biến dầu khí; Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài…Thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với một số dự án như Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh…
Hồ sơ xin chủ trương đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
- Đề xuất dự án đầu tư (Gồm các nội dung như: Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn,…). Trong một số trường hợp có thể lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
- Hồ sơ về quyền sử dụng đất (nơi thực hiện dự án đầu tư) trong trường hợp không đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất…
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng (tùy trường hợp)
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Tất nhiên, cũng sẽ có những dự án không cần phải xin chủ trương đầu tư, tuy nhiên nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ các thông tin của dự án mình để đảm bảo không bỏ qua thủ tục quan trọng này.
(2) Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Thủ tục cấp GCN đầu tư sẽ thực hiện ở một trong 2 cơ quan sau – Tùy vào địa điểm đầu tư:
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế
Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Đối với các dự án không thuộc diện xin chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư nộp Hồ sơ cấp GCN đăng ký đầu tư với các thành phần như hồ sơ xin chủ trương đầu tư cho cơ quan có thẩm quyền cấp GCN đầu tư.
- Đối với các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư sẽ Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư).
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế không được phép đầu tư một số ngành nghề ở Việt Nam. - Nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý là ở Việt Nam có nhiều ngành nghề chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận. Hơn nữa, một số địa bàn, khu vực cũng không cho phép nhà đầu tư nước ngoài đặt dự án đầu tư (đặc biệt là các khu vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng). Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý khi lựa chọn địa điểm đầu tư cũng như ngành nghề mà mình muốn đầu tư.
Danh mục các ngành nghề hạn chế đầu tư và các ngành, nghề có quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài hiện được quy định tại Phụ lục I, Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Có thể kể đến một số ngành như: Hoạt động báo chí; Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; Các dịch vụ hành chính tư pháp; Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa; Kinh doanh tạm nhập tái xuất…Dịch vụ phát thanh và truyền hình; Bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác có liên quan; Dịch vụ bưu chính, viễn thông; Dịch vụ quảng cáo; Dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm.
Bên cạnh đó, giá trị vốn đầu tư cũng sẽ quyết định đến loại VISA mà nhà đầu tư được cấp (ĐT1, ĐT2, ĐT3 hay ĐT4), ảnh hưởng đến thời gian nhập cảnh vào Việt Nam (đặc biệt là với trường hợp nhà đầu tư muốn trực tiếp quản lý, điều hành dự án đầu tư của mình). Vì vậy, cần cân nhắc, tính toán kỹ trước khi đăng ký đầu tư.